Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ai thành tâm ? Ai cố ý ? Ai tráo trở ?

Phương Thảo - Hoài Giang
Thứ hai ngày 14 tháng 1 năm 2013 2:47 PM

Hoài Giang nhận được lá thư ngỏ của Phương Thảo - em gái Liệt sỹ Nguyễn Mạnh Sơn (Nguyễn Mạnh Sơn sinh viên đại học Xây dựng nhập ngũ ngày 13 tháng 9 năm 1972 hy sinh tại Đá Biên) gửi nhà báo Minh Ngọc - tác giả bài viết: Khai tăng  liệt sỹ để nhận tài trợ.. đăng trên báo Sài Gòn giải phóng ngày 02 tháng 01 năm 2013. Được sự đồng ý của Phương Thảo - Hoài Giang xin đưa toàn văn bức thư để các bạn cùng đọc.
....
 
Kính gửi chị Minh Ngọc. Phóng viên báo SGGP
ĐT: 0903738742  - Email: minhngocsggp@gmail.com,

Tôi là em gái của LS Nguyễn Mạnh Sơn – SV trường ĐH Xây dựng HN, lính 207 hy sinh tại Đá Biên.
Tôi vừa đọc bài báo của chị viết về Đá Biên, thực sự tôi rất bất ngờ tại sao vẫn có những người có suy nghĩ như vậy, chẳng lẽ chị không có người thân nào hy sinh trong cuộc kháng chiến khốc liệt này hay sao mà chị lại có thể nhìn nhận về sự hy sinh của các chiến sỹ bằng cách tính cân đong đo đếm xem đến bao nhiêu LS mới được xây nơi thờ cúng khang trang!

Bài báo chị viết với tiêu đề chung chung: “Khai tăng LS để nhận tài trợ?” làm mọi người hiểu sai, giống như là tài trợ để các anh 207 ăn hay sao?! Sao chị không nói rõ là tài trợ xây khu tưởng niệm khang trang như hiện tại, rồi chèn bức ảnh khu tưởng niệm để minh họa, tôi biết chị được anh Nam đưa xuống Khu tưởng niệm sau ngày giỗ, chắc chị có ảnh chứ, nếu không thì chị lên trang web e207.net.vn mang về cho bài thêm sinh động.

Dù chỉ có 1 liệt sỹ hy sinh tại nơi đây thì sự hy sinh đấy vẫn đáng được trân trọng và đáng được thờ cúng, tưởng niệm lắm chị Ngọc ạ. Các cựu chiến binh không xin tài trợ cho riêng mình,  mà xin tiền để xây nơi tưởng niệm cho Liệt sỹ 207 nói riêng và cho các chiến sỹ hy sinh vùng miền Đồng Tháp Mười nói chung. Tôi đã về Đá Biên 5 lần kể từ sau ngày có bài trên Báo Tuổi trẻ, cám ơn phóng viên Mai Lâm đã đăng bài "Miếu Bắc bỏ và những ông thành hoàng đội mũ cối" (sau này tôi biết rằng vì bài báo đó mà PV Mai Lâm bị kỷ luật, thiệt thòi nhiều, cho đến giờ tôi vẫn áy náy vì chưa được gặp ML để cám ơn trực tiếp), nhờ có bài báo đó tôi mới tìm được nơi anh trai mình hy sinh sau bao nhiêu cố gắng trong vô vọng, vì vậy tôi có thể nói rằng tôi nắm rất rõ về tiến trình xin tài trợ để xây nơi tưởng niệm các LS tại Đá Biên. Chắc chị mải tìm nhưng con số vô cảm để viết bài mà không quan tâm đến 1 thông tin, trên đài tưởng niệm ở nấm mộ chung tại nghĩa trang Mộc Hóa có khắc dòng chữ " Nơi tưởng niệm 281 Liệt sỹ Trung đoàn 207", cái con số đấy tôi không rõ là do Phòng TBXH của Mộc Hoá cung cấp để khắc trên đài tưởng niệm hay do đâu, nhưng chắc chắn cũng không thể do các CCB 207 cung cấp, vì dòng chữ đấy đã tồn tại từ lâu lắm rồi. Nếu TĐ 207 nói riêng và cả nước Việt Nam ta nói chung có được con số chính xác số lượng các LS đã hy sinh và hy sinh tại đâu? thì chắc nhiều gia đình không phải vất vả tìm kiếm bằng mọi hình thức, tốn kém bao nhiêu tiền của và sức lực để mong được nhìn thấy hài cốt người thân.  

Chắc chị không có được cái cảm nhận mất mát của thân nhân gia đình LS sau mấy chục năm không tìm thấy nơi người thân mình hy sinh, khi nhìn thấy Miếu Bắc bỏ đơn sơ do gia đình anh chị Tư Tờ xây lên bằng cả tấm lòng của người dân Việt và giờ đây được thấy các LS có mái nhà khang trang như thế này, với bao sự góp công góp sức của mọi người, chị không có được cái cảm nhận đó đâu, vì nếu có chị đã không viết lên những dòng vô cảm hằn học như vậy. Dù giờ đây biết chắc rằng không thể tìm thấy hài cốt các LS trong đó có anh trai tôi ở nơi vùng nước mênh mông này, nhưng Khu tưởng niệm đã làm ấm lòng những người làm cha, làm mẹ, những anh, chị, em, những CCB, bạn bè của  các LS.

Chiến tranh qua đi đã mấy chục năm, còn rất nhiều gia đình chưa tìm thấy nơi người thân của mình hy sinh, vậy thì nhưng người còn sống làm được bất cứ cái gì cho các LS cũng đáng trân trọng lắm rồi. Trong buổi về Đá Biên nhân ngày giỗ lần thứ 39, tôi có nói chuyện với cô Hằng (GĐ Trung tâm Marin) và cô ấy rất phấn khởi vì một việc nghĩa to lớn đã được nhìn nhận đến sau mấy chục năm chiến tranh qua đi. Tôi tin chắc rằng Tiến sỹ Phạm Huy Hùng chủ tịch HĐQT Vietinbank và hàng ngàn cán bộ Vietinbank đã tài trợ cho công trình này họ không đong đếm xem có bao nhiêu LS hy sinh mới đáng được xây Khu tưởng niệm như vậy.

Qua đây, thay mặt cho các gia đình thân nhân Liệt sỹ tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các anh CCB E207, gia đình LS Nguyến Văn Tế (trong đó có anh Nam) là gia đình cùng với anh Phan Xuân Thi đi tìm người thân của mình và đầu tiên tìm ra được nơi này. Cảm ơn cán bộ công nhân viên ngân hàng Vietinbank và Chính quyền Huyện Thạnh Hoá đã góp công góp của để giờ đây gia đình các LS có được nơi thăm viếng người thân của mình.
Chị Minh Ngọc hãy nói với những người quan tâm đến Đá Biên, đến các LS thì hãy quan tâm theo đúng nghĩa của nó, đừng bóp méo cái TÂM của mọi người. Còn công ai đáng được ghi nhận đến đâu thì mọi người đều biết, đừng để mọi người phải phát ngán không muốn nhắc đến tên nữa.
Chào trân trọng.

Gửi chị Ngọc.
Quên, còn 1 chi tiết nữa tôi xin được cung cấp cho chị, đấy là vào mùa hè năm 1974,  tôi còn nhớ rất rõ khi bố tôi nhận được tin anh trai tôi hy sinh: "Anh Sơn hy sinh rồi, cả tiểu đoàn bị đánh, còn lại duy nhất 1 anh sống sót", cái tin đó làm mẹ tôi đột quỵ và chỉ hơn 1 năm sau mẹ tôi ra đi. Lúc đó trong ký ức của cô bé 13 tuổi, tôi cũng không thể biết được 1 tiểu đoàn là bao nhiêu người, nhưng chắc là đông lắm, vậy thôi! Lúc đó tôi nghĩ rằng đấy là tin mật, làm gì có đài báo rùm beng như bây giờ, mà chắc chỉ có những người có mối quan hệ thế nào mới có được thông tin đó thì chị biết rồi đấy. Nên khi đọc bài báo của PV Mai Lâm thì người tôi như có luồng điện chạy qua, và tôi biết rằng đúng trận đánh đấy là nơi anh trai mình hy sinh.
Thôi chị Ngọc nhé, dừng lại đi vẫn còn chưa muộn, chị đừng để cho chúng tôi, những người thân của Liệt sỹ phải đau lòng nữa.
Chào chị.
========

Kính gửi:         Tổng biên tập Báo  Sài Gòn giải phóng.
                        Báo tuổi trẻ & Báo chí trong cả nước.
                        Đài truyền hình trong cả nước.
                        Các bạn bè và tất cả mọi người
.........
Tôi đã đọc một vài bài viết của Minh Ngọc đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng viết về những người lính đã chiến đấu, hy sinh ở Đá Biên. Mới đây lại đọc bài: Khai tăng liệt sỹ để nhận tài trợ của Minh Ngọc. Cũng đã tính viết bài gửi SGGP để bàn về bài viết này, nhưng lại thấy không cần thiết nữa vì có viết gì đi chăng nữa thì cũng đến vậy thôi, một khi người ta đã nói rằng: “Khi cán bộ Ngân hàng Viettinbank hỏi lại số liệu liệt sĩ chính xác thì anh Phạm Văn Thông là thành viên trong Ban Liên lạc Trung đoàn 207 vẫn cố tình giấu giếm để được Ngân hàng Viettinbank tài trợ tiền…”. Như thế có nghĩa là Ban liên lạc Trung đoàn 207 cố tình giấu giếm số liệu về liệt sỹ nhằm mục đích nhận tiền tài trợ để xây đền thờ cho các liệt sỹ !? Ban liên lạc đề nghị xây đền thờ liệt sỹ để làm gì vậy thưa nhà báo Minh Ngọc? Tỉnh Long An xây đền thờ liệt sỹ để làm gì vậy thưa nhà báo Minh Ngọc? Để thờ cha mẹ, tổ tiên những người trong Ban liên lạc sao? Phải chăng chị cho rằng ở đó chỉ có 1 hay 10 hay 20 liệt sỹ tan xương nát thịt vì cái đất nước này thì không xứng đáng lập đền thờ? Vậy thì theo chị cần bao nhiêu người chết mất xác ở Đá Biên mới được tài trợ lập đền thờ? Xin lỗi tôi không biết chị bao nhiêu tuổi, làm nghề báo được bao nhiêu năm, có gia đình chưa? Gia đình họ hàng nhà chị có ai là liệt sỹ hy sinh vì đất nước này không? học hàm học vị của chị như thế nào? nhưng tôi xin nói trắng ra với chị rằng: Không thể định giá xương máu của những người con đã hy sinh vì tổ quốc này bằng đồng tiền! Lại càng không thể có chuẩn mực đặc quyền cho bất cứ ai về việc được lập đền thờ các liệt sỹ. Chị đã về Đá Biên đã thấy Miếu Bắc Bỏ - cái miếu thờ liệt sỹ ấy chỉ do một anh nông dân dựng lên. Chắc hẳn chị rất muốn cái miếu Bắc Bỏ ấy tồn tại mãi mãi, vì số liệt sỹ ít, không xứng đáng được lập đền thờ to như vậy!? Bà con gọi đồng đội chúng tôi là những ông thành hoàng làng vì sao chị biết không? Chị là một nhà báo nên tôi khuyên chị hãy tìm hiểu trên khắp cái đất nước này xem những ai được dân gọi là thành hoàng làng. Trong các đình làng Việt đều thờ thành hoàng làng cả đấy. Chị có căm giận người xưa không? Người xưa lập đình để thờ thành hoàng làng mà mỗi đình chỉ có một hoặc hai ông thành hoàng làng thôi. Chị có thấy lãng phí không thưa nhà báo Minh Ngọc?
Chúng tôi những CCB sinh viên Đại học Xây dựng là đồng đội của những liệt sỹ đã ngã xuống tại Đá Biên rất khó chịu khi đọc bài báo, chỉ thấy coi thường sự suy nghĩ thiển cận, nhỏ nhen của người viết ra nó.
Hoài Giang