Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhật Bản 5 ngày để yêu

Khiếu Quang Bảo
Thứ sáu ngày 12 tháng 4 năm 2013 3:29 PM


Bút ký

                      KYOTO – MỘT NHẬT BẢN TRUYỀN THỐNG   
      Để hiểu về một Nhật Bản truyền thống phải tìm về Kyoto, một cố đô hơn 1000 năm tuổi. Có trà đạo, hoa anh đào, có samurai, geisha…Thành phố này không có những tòa nhà chọc trời, không có những công viên giải trí hiện đại, những bãi biển cát trắng mịn màng, nhưng Kyoto hấp dẫn du khách bởi nền văn hóa truyền thống được nuôi dưỡng suốt hơn 10 thế kỷ thể hiện qua vô số những đền chùa miếu mạo và những lễ hội truyền thống vào những ngày cuối tháng 10.
      Người ta vẫn gọi Kyoto ngày nay là hiện thân của Nhật Bản cổ xưa huyền thoại với một nửa số đền chùa miếu mạo lâu đài nguy nga cổ kính ở Nhật đều tập trung ở Kyoto. Và trong số các công trình kiến trúc tôn giáo ấy có 14 đền đài nằm trong danh sách Di sản thế giới của UNESCO, cùng hơn 1.700 kho báu và những tài sản văn hóa quốc gia quan trọng được chính phủ Nhật Bản phê chuẩn. Tất cả những thứ quý giá ấy đã làm nên nét quyến rũ du khách. Tuy nhiên, Osaka cũng là một cố đô trước Kyoto, thủ đô thương mại lịch sử của Nhật, nơi hội tụ giữa nền văn hóa truyền thống và hiện đại. Có lâu đài cổ Osaka tráng lệ cùng đền Taiheji. Đây là trung tâm tài chính của Tây Nhật Bản. Trong thế kỷ 7 và 8 Osaka là hải cảng buôn bán với Trung Hoa. Người thống nhất đất nước Toyotomi Hideyoshi (1537-1589) xây dựng lâu đài Osaka làm tổng hành dinh của mình trong năm 1583. Osaka mang di tích của một cố đô Naniwakyo, nhà dựng nhiều tầng thượng thu hạ thách mái đao cong lợp ngói xanh, có thành lũy xếp bằng đá phiến với hào rộng nước xanh bao quanh kiên cố và vững chãi.
      Trở lại với Kyoto. Trước khi đến với chùa Nara Todai người ta phải đi qua Công viên Deer Park có rất nhiều hươu. Từng bầy hươu chăn thả tự do lông mượt vàng đôi mắt trong veo không thơ ngây mà khôn như cáo cứ xoắn suýt với người lẽo đẽo theo chừng nào chúng chưa nhận được chút “quà” gì đó từ con người…ban tặng. Chúng làm những cử chỉ thân thiện như liếm tay bạn, dụi đầu vào ống quần và vạt áo khoác làm bạn ngã lòng.
      Nara Todai còn gọi là Todai-ji, là ngôi cổ tự lớn nhất thế giới. Todai-ji (Đông Đại Tự) vốn là một tu viện nổi tiếng của Nhật Bản tọa lạc tại thành phố Nara. Tu viện có một ngôi chánh điện bằng gỗ có bức tượng Tỳ Lô Gía Na Phật lớn gấp 3 người thật đúc bằng đồng đặt ở vị trí trung tâm. Tu viện một thời là đại bản doanh của trường phái Kegon (Hoa Nghiêm) ra đời vào thế kỷ thứ 8. Chùa được UNESCO xếp hạng Di sản Văn hóa thế giới, bởi nhẽ đây là công trình lịch sử của Vương quốc cổ Nara. Bức tường bao quanh ngôi chùa có hai cổng lớn được tái thiết vào năm 1199 với 18 cây cột mỗi cột cao 21 mét. Người Nhật Bản mỗi lần lên chùa chiêm bái lễ Phật đều muốn vặn mình chui qua những cái hốc của một trong những cây cột này bởi tin rằng làm được như thế thì họ sẽ giành được một chỗ trên thiên giới. Rất nhiều công trình kiến trúc tích hợp trong khuôn viên tu viện cùng tạo nên những đường nét thẩm mỹ độc đáo mà nổi bật nhất là cách thiết kế khu vườn. Lối kiến trúc sân vườn hiện nay có thể xem là bắt chước theo ý tưởng của Todai-ji. Một trong những nguyên do làm cho ngôi chùa nổi tiếng là vị trí tọa lạc. Nara là trung tâm một vương quốc cổ một thời thịnh vượng, là trung tâm của nền văn minh đầu tiên của người Nhật. Tổng diện tích các khu chùa ở Nara khoảng 526 ha với những rừng cây cổ thụ có cây “lão” tới 550 năm tuổi cùng nhiều suối nước tự nhiên, trong đó nuôi dưỡng loài hươu thiêng của người Nhật. Tất cả đều được giữ gìn cẩn trọng suốt 13 thế kỷ qua như giữ những điểm son chói sáng trong lịch sử văn hóa Nhật.
      Thứ đến có ngôi chùa Kinkakuji thường được mệnh danh là Tây kinh ở nước Nhật. Điều đặc biệt ở ngôi chùa là nó được mạ vàng nên còn được gọi là chùa Vàng. Xây dựng từ thể kỷ 14 đến nay chùa Vàng trở thành một trong những thắng địa nổi tiếng nhất xứ sở hoa anh đào. Quần thể chùa được xây vào năm 1393 và dùng làm nơi nghỉ ngơi cho tướng quân Yoshimitsu Ashikaga (1358 – 1408). Chùa Vàng nổi tiếng tới mức được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy ở các trường học trên khắp nước Nhật và được UNESCO xếp hạng Di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên từ năm 1950 chùa Vàng không còn được chính phủ Nhật công nhận là quốc bảo nữa. Lý do thật chua xót là vào năm đó một tiểu tăng đã đốt cháy toàn bộ chùa cùng với 6 di sản văn hóa quan trọng trong chùa. Năm 1955 chùa mới được xây dựng lại. Vẻ đẹp của khu chùa khiến người ta khó có thể hình dung ra được thời kỳ mà vị tướng quân Yoshimitsu Ashikaga về ở ẩn. Đất nước thời ấy đang lúc rối ren và người dân Kyoto phải chịu nhiều khổ ải do nạn đói và bệnh dịch mà số người chết có lúc lên tới 1.000 người một ngày. Diện mạo của chùa Vàng hiện nay có từ năm 1955 và được dát lại vàng trong lần tu phụng vào năm 1987. Nét đặc trưng nhất về sự tinh xảo và cầu kỳ của chùa Vàng chính là vị thế rất ấn tượng, nó vàng óng ngời sáng lên giữa những tán xanh của cây xanh ngăn ngắt, và ánh sáng tinh khiết phản chiếu lung linh từ hồ nước tĩnh lặng mà người ta gọi là hồ gương. Bức tranh kỳ ảo ấy được vẽ nên từ ý tưởng về sự tồn tại giữa chốn thiên đường và trần thế. Sự hài hòa của ngôi chùa cùng với bóng nước hư thực làm nên một Kinkaku viễn cảnh nổi tiếng nhất của Kyoto. Một điểm nhấn biểu trưng cho uy thế và quyền lực của vị tướng là trần thứ ba của chùa được bọc bởi các lá vàng mỏng. Ngày nay thì toàn bộ ngôi chùa ngoại trừ tầng trệt đều được bọc bằng những lá vàng nguyên chất khiến ngôi chùa có giá trị vô cùng lớn. Chùa Vàng cũng chính là một biểu tượng có giá trị về tinh thần đã từng là một Shariden (đền xá lỵ) di tích của Phật giáo.
      Cách chùa Vàng không xa có Chùa Thanh Thủy Kymiomizu Dera. Chùa Thanh Thủy là ngôi chùa nổi tiếng nhất ở cố đô Kyoto, vì ngôi chùa này là một trong số ít những ngôi chùa còn lại của kinh đô Bình An trước khi rời về đây. Chùa Thanh Thủy với bốn mùa hoa tuyết, chánh điện vũ đại hùng vĩ trang nghiêm, khí thế phi phàm của cổng nhơn vương chu hồng tử sắc cùng nước suối ngọt ngào uống vào có công năng dược trị liệu. Tháp âm vũ ngày đêm tuôn chảy như đem vận may đến cho tất cả mọi người. Chùa Thanh Thủy xứng danh là danh lam phạm vũ đồng thời là trung tâm tín ngưỡng của người dân Nhật đất cố đô. Phong cảnh chùa đã đẹp kiến trúc chùa lại không kém phần đặc biệt. Chính điện chùa Thanh Thủy được dựng trên vách núi, mặt tiền của chính điện được dựng trên một đài cao làm bằng 139 cây cột gỗ to cao 12 mét dùng kết cấu dường cột giao nhau tạo thành mặt tiền như một khán đài thành thế “tựa sơn diện thủy” khí thế rất là hùng vĩ. Tất cả quần thể kiến trúc kết lại với nhau được dùng mộng cá không đóng một cây đinh. Ở Kiyomizu Dera có hai hòn đá được đặt tên “Đá tình yêu”, tương truyền nếu nhắm mắt đi từ  hòn đá này chạm được đến hòn đá kia sẽ có thể tìm được tình yêu. Kiyomizu Dera được bao quanh bởi vô số cây maple và anh đào. Khu chùa đẹp nhất vào mùa xuân khi hoa anh đào nở rộ và mùa thu khi lá maple chuyển sang màu đỏ. Trong khuôn viên chùa còn có suối nước Otowa với  ba dòng: Trường thọ, Đỗ đạt và Hạnh phúc. Bạn có thể uống nước của một trong ba dòng nhưng không nên uống của cả ba vì sẽ bị coi là tham lam. Sẽ chẳng được gì mà còn bị thần linh “nghĩ xấu”.
      Đường lên chùa Thanh Thủy là một con phố sầm uất dài 1km với các chuỗi cửa hàng bán hàng lưu niệm như hàng dệt thêu, kimono, đồ gốm sứ, đồ gỗ tiện nhỏ, những chuỗi dây chuỗi hạt cườm có treo những tượng cô gái Nhật nhỏ xinh để treo nơi bàn viết, trong xe con hoặc treo chìa khóa cùng điện thoại cầm tay bắt mắt kỷ niệm cho ai đó ít tiền thôi nhưng độc đáo hay hay. Bánh kẹo, hoa quả và các loại trà đặc sắc Nhật Bản rất sẵn, lúc nào cũng đông nghịt khách xem mua. Nơi đây có nhiều trà quán, thư quán để mọi người có thể trải nghiệm trà đạo hoặc viết những điều ước cũng như ký lưu bút. Tôi cầm trên tay và đang ngắm nghía một bức tượng một geisha nhỏ xinh trang phục lộng lẫy tạc từ gỗ cây ngân hạnh, thì như có một hơi thở nóng ấm nồng nàn phả vào một bên má. Quay lại, thật bất ngờ đó là một geisha đích thực. Cô cúi đầu thi lễ theo phong cách Nhật Bản. Tôi lặp lại chào cô theo cùng dáng điệu ấy. Cô bày tỏ cảm kích thấy tôi thích thú và nâng niu bức tượng geisha. Cô tên là Sayuri Nitta. Vậy là trùng tên nhân vật chính trong bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Rob Marshall “Memoir of A Geisha” (Hồi ức của Geisha) năm 1997 đã giành 2 giải Academy Award và Grammy. Rob Marshall đã chọn chùa Thanh Thủy làm bối cảnh cho một trường đoạn phim với hai diễn viên nổi tiếng Chương Tử Di và Củng Lợi. Sayuri Nitta giới thiệu tôi gặp cả nhóm geisha đi cùng cô,được chụp ảnh lưu niệm với cô tại một hương quán nơi đã ghi hình “Hồi ức của Geisha”. Sayuri Nitta thật xinh, cử chỉ thanh thoát mảnh mai gợi tình nhất là khi cô mỉm cười nửa miệng với đôi mắt khép hờ.
      Geisha tiếng Nhật là nghệ giả. Nghệ giả nghĩa đen là con người của nghệ thuật, là nghệ sĩ vừa có tài ca múa nhạc lại vừa có khả năng trò chuyện, là một nghệ thuật giải trí truyền thống của Nhật Bản. Thời thế kỷ 18-19 đã có rất nhiều geisha. Có nhiều nhầm lẫn đặc biệt là ở bên ngoài Nhật Bản về bản chất của nghề geisha coi đây là một hình thức mại dâm bị bóp méo mặc dù nhiệm vụ geisha thường bao gồm tán tỉnh và đùa cợt khêu gợi tuy được mã hóa theo các cách truyền thống nhưng họ không bao giờ có quan hệ tình dục với khách hàng. Văn hóa Bushido (võ sĩ đạo) đã góp phần ra đời cho văn hóa geisha. Võ sĩ đạo là một hệ thống luân lý đạo đức  hoàn mỹ với một bộ giới luật bất thành văn mà người võ sĩ samurai phải tuân theo: ngay thẳng - quang minh - chính đại - cao thượng - nghĩa hiệp. Là tầng lớp quý tộc Nhật Bản, các samurai sống rất có văn hóa lấy ca múa nhã nhạc thi pháp làm trò giải trí. Họ ưa được hưởng sự phục vụ từ phía nữ giới dưới hình thức văn hóa lành mạnh hợp với tâm hồn võ sĩ. Nhu cầu giải trí tao nhã ấy dẫn tới sự ra đời của geisha. Geisha sử dụng kỹ năng nghệ thuật truyền thống Nhật Bản trong đó có âm nhạc, múa và kể chuyện. Thế giới thanh lịch và văn hóa cao thì các geisha là một phần trong đó được gọi là karyukai có nghĩa “hoa liễu giới”. Hiện nay những người phụ nữ trẻ muốn được trở thành geisha thường bắt đầu đợt đào tạo sau khi đã hoàn thành trung học cơ sở hay thậm chí trung học phổ thông hoặc đại học. Geisha được học chơi những nhạc cụ truyền thống như shamisen, shakuhachi (sáo trúc) và trống, cũng như những bài hát truyền thống, múa cổ điển Nhật, trà đạo, ikebana (cắm hoa Nhật), văn học và thơ ca. Thời gian làm việc của geisha được đo theo thời gian một cây hương cháy hết gọi là shenkodai (tuyến hương đại) hoặc gyokudai (ngọc đại).
      Vào năm 1920 Nhật Bản có trên 80.000 geisha. Nhưng ngày nay chỉ còn dưới 1.000 nên hiếm khi người ta nhìn thấy geisha. Và việc tôi gặp được nhóm geisha của Sayuri Nitta tại chùa Thanh Thủy là phúc phận. Có lẽ tôi đã nhắm mắt đi và chạm tới “Hòn đá tình yêu” ở nơi này chăng?                         
                    MÓN LẨU “HUYỀN BÍ” CỦA CÁC VÕ SĨ SUMO
      Cúi đầu chào khán giả. Chào đối thủ. Rắc muối lên sàn xung quanh sân đấu. Một trận đấu sumo bắt đầu. Thể hiện dũng khí của người Nhật Bản, những võ sĩ sumo đang sống như những biểu tượng anh hùng cho môn thể thao truyền thống – một tinh thần samurai. Sau khi được sự bảo trợ của Thiên Hoàng môn võ sumo được trở lại như thời kỳ 1.500 năm trước. Theo sử sách ghi lại thì trận đấu sumo đầu tiên được tiến hành vào năm 642. Sau đó vào thế kỷ thứ IX thì nó trở thành một nghi lễ trong cung đình. Kể từ sau thế kỷ XII khi mà các võ sĩ samurai nắm quyền điều hành chính trị thì sumo trở thành một môn võ với nhiều kỹ thuật được ứng dụng trong chiến đấu. Vào thời kỳ Edo (1603 – 1868) sumo đã trở thành một môn diễn trong các lễ hội tại các ngôi đền. Mãi cho đến tận giai đoạn cuối của thời kỳ Minh Trị (1868 – 1912) thì sumo lần đầu tiên mới được gọi là một môn thể thao dân tộc.
      Trong môn vật sumo thì người thắng là người đẩy được đối thủ ra khỏi vòng tròn Dohyou. Hoặc làm cho một bộ phận trên người đối thủ (trừ lòng bàn chân) chạm xuống đất. Những pha đụng độ đầu tiên sẽ là những “cái ôm sấm sét”. Chỉ được phép kéo dây đai Mawashi của đối thủ nhưng không được phép kéo dây đeo quanh háng. Võ sĩ Sumo có ngoại hình đặc trưng là búi tóc nhỏ trên gần đỉnh đầu và có thân hình đồ sộ. Nhiều đô vật có thể ăn 5 kg thịt 10 tô cơm mỗi bữa. Họ phải cố gắng đưa càng nhiều thức ăn vào bụng càng tốt cho tới khi nào “phổng phao” lên. Akenobo sinh ra tại Hawaii là người nước ngoài đầu tiên trở thành nhà vô địch, nặng 220kg. Có Sumo nặng nhất nặng tới 270 kg. Chế độ luyện tập khá hà khắc và kỷ luật mang đến cho họ một cơ thể rắn chắc. Sự lặp lại liên tục các bài học có vẻ hơi tàn nhẫn nhưng lại tạo nên khả năng chịu đựng về tinh thần cũng như thể chất. Với khoảng 70 đòn đánh một Sumo có thể đẩy, tát, thậm chí ngáng chân đối phương nhưng không bao giờ được đá hoặc tấn công đối phương với bàn tay nắm lại. Những sumo có thân hình đồ sộ là thế nhưng với nhiều phụ nữ Nhật Bản họ không thiếu đi sự hấp dẫn. Sự cuồng nhiệt của các fan gái với võ sĩ sumo không khác gì những siêu sao bóng đá đẹp trai.
      Vâng. Trưa cái hôm sau khi thăm chùa Thanh Thủy tôi đã đến ăn bữa trưa muộn ở một con phố nhỏ ở Kyoto chuyên nấu món lẩu dành cho bữa ăn của các võ sĩ sumo. Món lẩu huyền bí nuôi các võ sĩ lên cân rất nhanh để trở thành bục bịch như một khối thịt trên dưới 200 kg. Quán ăn trang trí rất lạ lùng là treo rất nhiều tranh vẽ chân dung các sumo nổi tiếng bên cạnh là dấu điểm chỉ cả bàn tay to bè màu son đỏ chói cộng chữ ký của họ. Có lẽ muốn minh chứng rằng các võ sĩ sumo đã ăn ở đây món lẩu huyền bí này. Đồ rằng những bức tranh ấy bán đấu giá có thể lên tới nhiều chục nghìn USD. Bà chủ quán tên Chiyo thấy tôi vào quán mừng rỡ cười khơ khơ và bà làm ngay việc ôm chầm lấy tôi nơi vòng 2 yêu cầu được chụp một bức ảnh. Lạ lùng, nhưng rồi cũng hiểu, là bà nhận ra cái bụng của tôi “phổng” như của một sumo tập sự. Bà nói rằng tôi ở đây với bà hai tháng dùng thứ lẩu quán bà nấu sẽ nhanh chóng đạt chuẩn…bụng của sumo Nhật Bản. Câu nói của bà Chiyo làm thực khách được một trận cười tơi tả.
      Xem các võ sĩ sumo va chạm và quần nhau vật nhau quanh vòng tròn thi đấu nhiều người vẫn tự hỏi điều gì giúp họ trở nên to lớn và nhanh nhẹn đến vậy? Câu trả lời là tập luyện và chế độ ăn uống. Việc nạp năng lượng hằng ngày của võ sĩ sumo tới 8.000 kilocalo. Con số này cao gấp nhiều lần so với một người đàn ông Nhật Bản trung bình. Ăn càng nhiều càng tốt. Một bữa ăn “chuẩn mực” cho võ sĩ sumo - thuật ngữ chung này xuất phát từ từ Chankonabe - một món hầm. Thực ra món Chanconabe được chế biến từ nhiều nguyên liệu. Nhiều loại thịt khác nhau cùng rau và cá được nấu chung trong nồi nước luộc thịt gà. Chanconabe rất nhiều protein và thường được bày ra số lượng lớn cùng với các món ăn phụ khác. Matsuda kể món Chanconabe có từ thời kỳ Meiji (1868 -1912). Đây là món dễ chế biến phục vụ cho khối lượng lớn võ sĩ sumo cùng lúc.
      Võ sĩ sumo người Mông Cổ Hakuho 24 tuổi đã đạt tới đẳng cấp cao nhất trong môn võ này ở Nhật Bản. Bí quyết thành công của anh thật đơn giản như anh khiêm tốn bày tỏ, là “tập luyện chăm chỉ, ăn nhiều và ngủ nhiều”. Họ ở trần ngồi bệt bên bàn ăn và thưởng thức tất cả mọi món ăn được bày lên bàn. Các võ sĩ ăn cho tới khi không thể ăn được nữa mới thôi. Ngay sau bữa ăn đầu tiên vào lúc 11 giờ sáng (sau buổi tập) võ sĩ sumo trở về phòng ngủ ngủ một giấc dài. Tất cả thức ăn được chuyển hóa thành mỡ dự trữ sau đó đến 18 hoặc 19 giờ chiều lại ngồi vào bàn ăn bữa tối. Vậy là món “hầm hổ lốn” Chanconabe mà bà Chiyo gọi là “lẩu sumo” chả có gì là huyền bí rốt cuộc chỉ là ăn nhiều ngủ nhiều. Tôi nói với bà Chiyo, rằng bức ảnh bà chụp với tôi nên treo ở phòng ăn này, và nếu đấu giá được giá hời phải chia đều 50 / 50 nhá. Bà cười hứa, và yêu cầu tôi đặt bàn tay vào nghiên son lấy mực điểm chỉ vào một tờ giấy tàu bạch ký tên bằng bút dạ phớt. Chiyo cười hi hi sau khi tôi hoàn thành công việc. 
                             FUJISAN - SẮC MÀU THỜI GIAN
       Fuji hay Fujisan ấy chính là núi Phú Sĩ, là ngọn núi lửa đã ngủ yên, là ngọn núi cao nhất của Nhật Bản với chiều cao thực 3.776 mét, mang hình chóp nón cắt ngọn, một biểu tượng nổi tiếng không chỉ ở đất nước Phù Tang mà vang danh cả phần còn lại của thế giới. Phú Sĩ là đề tài trong các bức họa và nhiếp ảnh nghệ thuật cùng văn chương và âm nhạc. Phú Sĩ trải dài thuộc tỉnh Shizuoka và Yamanashi nằm gần như trung tâm đảo Honshu. Đỉnh núi Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ trắng chảy dài xuống lưng chừng xa trông như chất kem sữa đặc đầy chảy tràn từ miệng núi lửa. Chân núi có năm hồ nước ngọt lớn là các hồ Kawaguchi, Yamanaka, Sai, Motusu và Shiju. Cùng với hồ Ashi ở gần đó chúng tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp cho ngọn núi làm cho Phú Sĩ càng hùng vĩ.
      Các nhà khoa học xác định Phú Sĩ có bốn thời kỳ hoạt động núi lửa. Lần phun trào gần nhất cách nay gần 300 năm (1707). Ngọn núi lửa nay đã “chết”. Tuy nhiên người ta vẫn lo nó sắp “thức giấc” trở lại. Nỗi lo lắng ấy có lý khi các áp lực địa chất ngày một mạnh hơn trong thời gian qua như trận động đất mạnh 9 độ Richter hồi năm 2011 xảy ra ngoài thềm đại dương, kết hợp một cơn dư chấn mới đây gần Phú Sĩ đang tạo áp lực cực lớn lên bầu magma của núi lửa. Áp lực ấy cao gấp 16 lần mức bình thường. Con số thật “đáng sợ”. Người ta dự tính một khi Fujishan phun trào trở lại nó có thể ảnh hưởng tới 400.000 người và gây thiệt hại hơn 30 tỷ USD.
      Không đến được với Phú Sĩ trong hai tháng “mở cửa” để có thể leo lên đỉnh núi lửa 3.776 mét, mà lại đến với Phú Sĩ vào Tết âm lịch, vào cái đận cả một vùng Phú Sĩ chìm trong nền nhiệt độ dưới 0, tuyết trắng phủ như bông, xe chỉ đưa lên first step (chặng 1) độ cao 1.200 mét. Nói thế thôi chứ có đến Phú Sĩ vào hai tháng 7 và 8 tôi cũng chẳng thể leo nổi bởi hành trình leo núi đầy cam go.
      Người quản lý cho hay, từ mồng 1 tháng 7 hằng năm người ta làm lễ mở cửa ở núi Gogome thuộc cửa Yashida, cho đến ngày 31 tháng 8 thì mọi hoạt động chính thức kết thúc. Đây là thời gian Phú Sĩ có nền khí hậu lý tưởng nhất. Trên đỉnh núi gió nhẹ, nhiệt độ từ 5 đến 6 độ C. Mặc dù thời gian mở cửa không nhiều song hằng năm vẫn lôi cuốn tới 25 triệu người Nhật Bản và ngoài nước tới tham quan du lịch. Công việc trèo lên đỉnh núi Phú Sĩ với người Nhật Bản được coi là công việc thiêng liêng cố gắng làm một lần trong đời. Những người leo núi thường bắt đầu cuộc hành trình từ buổi chiều xuyên qua đêm để rồi sáng sớm hôm sau được ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc ở trên núi. Từng  đoàn người nối đuôi nhau trong màn đêm được soi rọi qua ánh đèn pin lung linh rực rỡ xa trông như một con rồng khổng lồ đang cuộn mình trườn ngược.
      Lên đỉnh Phú Sĩ phải mất từ 5 đến 9 giờ, nhưng khi xuống chỉ cần 3 giờ đồng hồ. Thời tiết khắc nghiệt, đường leo khó khăn hiểm trở nếu không có “lửa từ trái tim” thì không đủ nghị lực để…leo. Với người Nhật Bản Phú Sĩ là ngọn núi thần núi thiêng che chở cho đất nước Nhật, đem đến sự tốt lành may mắn. “Thứ nhất Fuji, thứ nhì Naka, thứ ba Nasa”. Có nghĩa là vào đêm mồng 1 Tết, may mắn nhất là người có giấc mơ thấy Phú Sĩ, thứ nhì là Chim ưng, và thứ ba là Cà tím. Những người sùng bái núi Phú Sĩ đã thành lập một tổ chức “tín ngưỡng ngọn núi” này có tên là Fuiiko. “Nhật Bản không núi Phú Sĩ – Nước Mỹ không tượng Nữ thần Tự Do” – dân Nhật nói thế.      
      Trong hành trình tham quan núi Phú Sĩ có hồ Kawaguchi nằm ở thung lũng Kowakodani, vết tích của miệng núi lửa phun trào cách đây 3.000 năm. Ta có thể nhìn thấy những giếng nước nóng mà nguồn nước có hàm lượng sulphuric nồng nàn mùi hăng hắc bay trong không khí. Nguồn nước ấy đem luộc trứng vỏ trứng chín có màu xám tro. Nhưng nó mang theo truyền thuyết khi ăn một quả trứng được luộc tại đây có thể kéo dài tuổi thọ thêm 7 năm. Có người “xơi” tới 3-4 quả ngon lành. Leo bộ hơn cây số lạnh giá dưới tuyết lên tận căn nhà lưng chừng núi để mua trứng luộc tại chỗ giếng nước chứ không chờ họ chuyển qua đường cáp xuống trung tâm thương mại. Hy vọng trứng ra lò nóng hôi hổi này thì sự mầu nhiệm cao hơn, “thọ” thêm hai ba chục năm tuổi. Tôi chỉ “xơi” một quả, thọ thêm 7 năm đã là quá nhiều. Sống lâu hơn chưa chắc đã hay ho.
      Hồ Ashinoko là một trong “Ngũ hồ” nằm quanh núi Phú Sĩ và là hồ lớn nhất đến nỗi từ bờ bên này dõi bên kia chỉ thấy tận chân trời ngọn núi Fujisan mờ nhạt. Chúng tôi được leo lên một chiếc thuyền lớn màu xanh rêu có chạm nổi những hình thù cổ quái sơn nhũ vàng và trên boong thuyền dựng nhiều cột buồm dây lèo chằng chịt với một bức tượng “Hải tặc” thời xa xưa dữ dằn to lớn như hải tặc trong phim vậy. Có lẽ những người làm du lịch muốn cho du khách trải nghiệm con thuyền “Cướp biển” bởi con thuyền đi trong gió tuyết phũ phàng trên mặt hồ rộng mênh mông. Khung cảnh thật hấp dẫn khi mà du khách chen nhau lên boong dưới trời mưa tầm tã chụp những bức ảnh với chùm “Hải tặc”.
      Qua ô cửa kính khoang thuyền “Cướp biển” tuy trong mù mưa vẫn nhìn thấy những dãy nhà xa xa ven hồ thơ mộng trong bóng chiều tà.
                             “BIỂN CÂY” – CÁNH RỪNG MA ÁM
      Ở chân núi Phú Sĩ phía bắc có một khu rừng có tên Aokigahara tĩnh lặng u tối đến bất thường, được coi là khu rừng “chết chóc”. Mỗi năm có hàng chục người Nhật Bản tìm đến Aokigahara để thực hiện cuộc hẹn hò với thần chết. Nó chỉ thua cây cầu Golden ở Francico nước Mỹ về số người tìm đến cái chết hằng năm. Khu rừng còn có tên “Jukai” tức “Biển cây”, một trong số ít rừng nguyên sinh còn lại của Nhật Bản. Đất rừng chủ yếu là đá núi lửa có nhiều hang hốc hiểm trở và sâu thẳm.
      Người ta đồ rằng ở dưới “Biển cây” có mỏ thép ngầm khiến la bàn “liệt”, mất phương hướng định hướng nên người đi rừng bị lạc không thể trở ra và chết đói ở đó. Lập luận ấy bị bác bỏ vì trong thế chiến thứ 2 máy bay khí tài quân sự qua đây có sao đâu. Lại có dư luận cho rằng rừng Aokigahara là sự chuộc tội của “Yurei” - tức hồn ma của những người chết yểu, hoặc bị đột tử, hoặc là địa điểm của “ubasute” có nghĩa bỏ rơi một bà cụ già trong thời đói kém ở khu vực này hồi thế kỷ XIX. “Ubasute” là cách đưa vào rừng một người cao tuổi hoặc bệnh nặng trong gia đình để người ấy bị chết đói kiệt nước. Có con cái đưa bố mẹ già tới đây với ba nắm cơm các cụ xơi hết là “tự toi”. Cách loại bỏ này diễn ra trong thời kinh tế khó khăn. Một số người còn nói chính các gốc cây là nguồn chứa các nguồn “năng lượng tiêu cực” liên quan nhiều vụ tự tử và chết chóc. Người khác nói ma quỷ trong rừng “hối thúc” người ta nghĩ đến chuyện tự sát và không cho họ thoát ra khỏi cánh rừng. Những người khác lại đổ trách nhiệm cho câu văn “rừng Aokigahara là điểm tự sát yêu thích” trong cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1960 của nhà văn Seicho Matsumoto mà đoạn kết là đôi tình nhân tìm đến cái chết ở cánh rừng này. Nhưng có ý kiến phản bác rằng người ta tìm đến “Biển cây” tự tử từ trước khi cuốn tiểu thuyết này được in ra. Các ý kiến khác nói số lượng người tự sát cao ở “Biển cây” là do cuốn sách “Cẩm nang  đầy đủ cho tự sát” in năm 1993 của Wotaru Tsurumuim, người nói cánh rừng là “chỗ hoàn hảo để chết”. Bởi cả hai cuốn sách thường được tìm thấy bên cạnh những thây người trong cánh rừng. Đa số người tự sát ở rừng Aokigahara thường chọn cách treo cổ, khoảng 100 vụ/năm. Uống rượu thật nhiều để bị ngộ độc, hoặc dùng các loại thuốc cũng là cách lựa chọn. Không nhiều người lại chọn cách ngồi hít khí độc carbon dioxide trong xe hơi đóng kín đậu ở bìa rừng, hoặc họ đem theo than đá để tự chết ngạt. Cũng có một số rất ít nữa chọn cách rạch cổ tay hoặc dùng súng. Khi có những cách chết bạo lực chính quyền luôn nghĩ thiên về khả năng nạn nhân bị giết vì rừng Aokigahara cũng là điểm lý tưởng để giấu xác. Trong các trường hợp này người giữ rừng hoặc du khách chỉ phát hiện ra các bộ xương trong các căn lều của họ, nó “kể” được chuyện gì đã xảy ra và nạn nhân là ai từ những đôi giầy, quần áo, ví tiền, giấy tờ cùng ảnh của họ. Người chết mỗi năm một tăng. Nhà địa chất Azusa Hayano cho biết riêng ông tìm thấy hơn 100 xác chết trong 20 năm qua. Ông tìm thấy nhiều thông tin qua các xác chết rằng họ cảm thấy cô đơn trong một xã hội chạy theo đồng tiền. Chuyện tự sát diễn ra ở “Biển cây” từ đầu những năm 1970 có quá nhiều vụ nên kiểm lâm chật vật tìm chỗ chứa xác được tìm thấy. Số vụ tự sát “ổn định” khoảng 20 xác/năm. Nhưng tăng lên 57 vụ từ năm 1994 và năm 2004 đạt con số kỷ lục: 108 xác. Gần đây chính quyền địa phương ngưng công bố các vụ tự tử trong cánh rừng nhằm ngăn chặn hiệu ứng “kích thích” những người khác tìm đến nơi được coi là “tự sát lý tưởng”. Nhưng các số liệu không chính thức vẫn nổi lên. Số vụ tự sát cao đến độ năm 2009 chính quyền quận Ymanashi phải thuê người kiểm tra rừng tìm dấu vết và nói chuyện với những người lạ xuất hiện trong “Biển cây”. Họ cũng huấn luyện cho dân địa phương biết cách khuyên giải những người toan tự tử. Nhiều tấm biển được cắm trong rừng nhắc nhở “Cuộc sống là quà tặng quý giá của cha mẹ ta”, “Hãy suy nghĩ lại”, “Đừng giữ lấy buồn phiền. Nói chuyện với chúng tôi!” và có số điện thoại để liên lạc. Nhật Bản có tỷ lệ tự sát cao nhất thế giới. Càng nghiêm trọng hơn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gần đây. Cao điểm của các vụ tự sát là tháng 3 vốn là năm kết thúc năm tài khóa của Nhật. Chính phủ Nhật đã ra chỉ tiêu giảm các vụ tự sát chỉ còn 20% so với hiện tại vào năm 2016 bằng các biện pháp giáo dục, tư vấn và tiếp cận những người gặp hoàn cảnh sống khốn cùng. Nhưng các chuyên gia khuyến cáo nạn tự sát sẽ chỉ kết thúc khi nào điều kiện kinh tế được cải thiện, người dân tìm được việc làm ổn định, chờ đến khi ấy “Biển cây” vẫn là điểm lý tưởng cho người ta tìm đến cái chết.
                          TOKYO – MỘT NHẬT BẢN HIỆN ĐẠI
      Được chọn tháng 6 năm 1989, biểu tượng chính thức của Tokyo là ba hình cung tạo nên chữ T theo hình dáng của lá cây ginkgo, nó biểu thị cho vẻ đẹp, sự thanh bình, phồn thịnh và phát triển trong tương lai của Tokyo. Tokyo tiếng Nhật là Tokyo-to có nghĩa là Đông kinh đô. Vùng đô thị Tokyo là vùng đô thị đông dân nhất thế giới với dân số từ 35 đến 39 triệu người. Và là vùng đô thị có GDP cao nhất thế giới 1.479 tỷ USD theo sức mua tương đương vào năm 2008. Tokyo được Saskia Sassen mô tả là một trong 3 trung tâm chỉ huy của nền kinh tế thế giới cùng với London và New York. Thành phố này được xem là một Alpha + thành phố thế giới theo xếp hạng của GaWC năm 2008. Tokyo là nơi đặt cơ quan đầu não của chính phủ Nhật Bản, Hoàng cung Nhật Bản và là nơi cư ngụ của Hoàng gia Nhật Bản. Đương kim Thiên Hoàng Akihito (đời thứ 135) đang sống ở đây. Tầm quan trọng của Tokyo được nâng lên chủ yếu là công của hai nhà lãnh đạo lỗi lạc: Tokugawa Leyasu và Minh Trị Thiên hoàng (Meiji). Tokyo cũng như Osaka đã được thiết chế từ thập niên 1900 như là một thành phố đường sắt với nhiều nhà ga bao quanh. Tokyo đã trải qua hai tai họa lớn và phục hồi một cách nhanh chóng đáng nể sau hai sự kiện, một là trận động đất lớn Kanto năm 1923, và tai họa kia là cuộc chiến tranh thể giới là thứ 2 năm 1939 – 1945. Những bom lửa năm 1945 cũng hủy diệt không kém hai quả bom nguyên tử ở Hyrosima và Nagasaki cộng lại. Sau chiến tranh Tokyo được xây dựng lại hoàn toàn và được trưng bày cho thế giới xem trong Thế vận hội 1964 tổ chức tại thành phố này. Tokyo trở thành thành phố lớn nhất trên thế giới vào năm 1965 vượt qua khỏi New York. Thập niên 1970 đem lại những phát triển về chiều cao. Hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo và xe lửa đi lại trong thành phố trở thành bận rộn nhất trên thế giới. Tokyo với vai trò trung tâm của vùng đại đô thị, là trung tâm giao thông nội địa và quốc tế lớn nhất Nhật Bản với hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ và đường không phát triển hiện đại nhất thế giới. Giao thông công cộng trong Tokyo bao gồm chủ yếu là hệ thống xe lửa và tàu điện ngầm được quản lý bao quát bởi nhiều nhà điều hành. Hệ thống đường cao tốc nối thủ đô tới các điểm khác trong vùng đại Tokyo, vùng Kanto và các đảo rất thuận lợi. Kiến trúc của Tokyo được hình thành phần lớn sau thế chiến thứ 2 do vậy khung cảnh của Tokyo hiện nay là thuộc kiến trúc hiện đại đương thời có rất ít các công trình cổ.
      Ở một “đại đô thị” cái gì cũng nhất thế giới từ kinh tế, hệ thống giao thông, văn hóa, kiến trúc, đến các chuỗi trung tâm thương mại lớn tầm cỡ Global cùng mật độ dân số cao sầm uất hơn cả Paris mà đường phố thì sạch sẽ “như lau như ly”, con người thì thân thiện lịch lãm đến không ngờ có lẽ cũng vào hạng…nhất thế giới. Cái cách chắp tay cúi đầu chào nói lời dịu êm ở bất cứ không gian giao tiếp nào từ quầy bán hàng đến tiếp tân khách sạn, từ nơi ăn sáng đến đón người nơi công sở, xách va ly giúp không lấy tiền “boa” và kể cả khi nhập xuất cảnh nhất nhất kèm theo nụ cười cởi mở dễ thương. Có lẽ người Nhật Bản không biết cáu gắt dẫu có ai đó chen ngang không xếp hàng hoặc tranh cầu thang máy. Có lẽ người Nhật Bản cũng không biết nói to dẫu ở nơi chợ búa hay sân ga tầu điện ngầm người chật đông như nêm cối. Có lẽ người Nhật Bản không tham lam nên không có móc ví xẻ túi lấy tiền-đồ, cũng như ai đó để quên hành lý đi xa quay lại vẫn còn nguyên đó. Và sự sạch sẽ đường phố không một mẩu rác thải làm tôi bối rối khi phải tìm nơi có thể hút thuốc lá và vứt mẩu giấy kẹo. Người Nhật Bản rất quan tâm tới những điều kiện sống tốt nhất cho con người, đến nỗi nhà vệ sinh công cộng không thu phí, có cả khu dành riêng cho người khuyết tật lẫn trẻ em và người già chứ không chỉ hai loại đàn ông và đàn bà. Ngô Thanh Tùng - anh chàng từng học tập và làm việc ở Nhật Bản nhiều năm nói với tôi, khi phỏng vấn một hoa hậu Nhật Bản rằng cô tự hào gì về đất nước thân yêu của cô, thì niềm tự hào của cô lại là thứ không ai ngờ. Đó là chiếc bồn cầu. Tưởng Tùng nói chuyện để “giết thời gian” khi chờ quá cảnh ở sân bay Pusan, nhưng tới Nhật Bản, qủa là chiếc bồn cầu Nhật cho con người ngồi trên đó một hứng thú thực sự. Phía tay phải bồn cầu có một bảng điều khiển điện tử công nghệ cảm ứng, chỉ “chạm” thôi, ngoài được sưởi ấm dưới mông trong tiết trời se lạnh, còn được tự động tẩy rửa với tia nước nóng phun êm ái như massage, thậm chí xả thải, báo động và gọi cứu hỏa.
      Ở Nhật Bản có những chuyện không thể giải thích nổi. Ví như một chị trong đoàn chúng tôi mua hàng vội bỏ đi không lấy lại tiền thừa vì thấy nó nhỏ bé không đáng là bao, nhưng cô bán hàng để số xu tiền thừa vào một cái khay lách quầy vội vã chạy theo trả lại bằng được còn nói đôi lời  gì đó như cảm ơn và hẹn gặp lại. Màng lưới siêu thị ở Tokyo dày đặc là thế, đắt đỏ nhất thế giới, vậy mà vẫn có nhiều chuỗi “Cửa hàng 100 Yên” (tương đương 23.000 VND) cho một món hàng dành cho “Chương trình chi tiêu tiết kiệm”.Vào buổi tối khuya ở Tokyo tôi đã lọ mọ đến sân ga Shibuya để ngắm bức tượng chú chó Hachiko bằng đồng được dựng trước cửa nhà ga. Mười năm đợi chờ một đoàn tàu về sau hoàng hôn. Mười năm kiên nhẫn trong gió mưa bão tuyết. Chính xác như một chiếc đồng hồ. Chú chó ấy đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của tình yêu, lòng trung thành, sự tận tụy với người chủ đồng thời cũng là một người bạn. Chuyện là chú chó Hachiko nhiều năm dài theo tiễn giáo sư Hidesaburou Uenot tới nhà ga này lên tàu để đến trường đại học vào buổi sáng, để rồi chiều tà Hachiko lại đến đây đón giáo sư về nhà. Rồi vào chiều một ngày Hachiko không đón được giáo sư Ueno nhưng vẫn kiên trì đến nhà ga chiều chiều suốt 10 năm mà không hay biết giáo sư đã bị đột quỵ tại giảng đường. Rồi Hachiko trung thành tận tụy cũng đã trút hơi thở cuối cùng tại sân ga Shibuya. Câu chuyện đã trở thành bất tử. Đi vào sách giáo khoa của học sinh Nhật. Thế giới thì biết đến và ấn tượng về chú chó Hachiko qua bộ phim nổi tiếng “Hachiko Monogatan” được công chiếu năm 1987 và được dựng lại năm 2009. Ga Shibuya là một xa cảng đông đúc nhất thế giới có tới 2,5 triệu người qua lại mỗi ngày từ “thế giới tàu điện ngầm metro Tokyo”. Và người ta đã tôn vinh Hachiko bằng một bức tượng để mọi người qua đây chiêm ngưỡng.
      Vào tháng 3 năm 2011 thế giới đã lặng đi chứng kiến thảm họa kép động đất sóng thần ở Nhật Bản. Trong số hàng ngàn câu chuyện xúc động mà ta chưa có cơ hội để nghe, chỉ ba câu chuyện sau chính là tấm gương về nhân cách Nhật Bản. Chuyện thứ nhất, là bé trai chín tuổi được người cảnh sát gốc Việt tên Hà Minh Thành cho gói lương khô khi em chờ xếp hàng nhận lương thực phát chẩn. Theo lẽ thường em sẽ cảm ơn và ăn vội. Nhưng em đã không làm thế mà mang đến bàn phát lương thực để cùng chia cho mọi người vì một lẽ rất giản đơn “còn nhiều người chắc đói hơn con!” Chuyện thứ hai, một người đàn ông ở Sendai nhảy xuống nước đưa ba người phụ nữ lên ban công an toàn và chấp nhận hy sinh khi chiếc xe theo dòng nước lao về phía mình. Người bạn của ba người phụ nữ ấy vẫn còn thảng thốt “Ba cô ấy được an toàn nhờ một người lạ. Người đã tặng cả cuộc sống để cứu lấy họ!” Và câu chuyện thứ ba, về 50 nhân viên nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima quyết bám trụ để vận hành nhà máy. Con gái của một người trong số họ hy sinh tên là Namico Aoto đã nghẹn ngào chia sẻ trên Twitter: “Bố tôi xung phong trở lại nhà máy dù chỉ nửa năm nữa ông sẽ nghỉ hưu. Ở nhà bố có vẻ không giống với những người có thể giải quyết được việc lớn như hôm nay. Tôi tự hào về ông!”
      Nhật Bản cho tôi ngưỡng vọng. Không phải “kính nhi viễn chi” từ đất nước mình nữa. Mà tôi đã đến với Nhật Bản trong 5 ngày đầu xuân Qúy Tỵ để yêu và yêu hơn Nhật Bản.