Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đi ở lấy tiền in tác phẩm văn chương

Đàm Quỳnh Ngọc
Thứ ba ngày 5 tháng 11 năm 2013 4:24 PM


Mình không muốn nghe chị nói hai từ “đi ở”, nghe tội tội thế nào. Bây giờ đi giúp việc cho gia đình người khác, hay dùng từ “Ô Sin”. Nhưng chị không chịu, chị bảo, thực chất mình đi ở thì nói đi ở, còn từ “ô sin” không hiểu nó nói cái gì thì nói làm chi. Chị có lý của chị, gần hết một đời người được trải nghiệm trong đau khổ, bệnh tật, dày vò và nước mắt nên chị nói điều gì đâu có… sai.
Chị tên Nguyễn Thị Thìn, sinh năm 1953, quê ở xóm 6, xã Văn Sơn, Huyện Đô lương, Nghệ An, là cựu chiến binh, nhập ngũ năm 1971, đã trải qua các chiến trường ở Lào, B, C, đầu năm 1975 thì xuất ngũ về quê. Lấy chồng hai lần không có con, chị Thìn đi khám với kết luận vô sinh vì nạn nhân chất độc màu da cam, gia đình tan vỡ.
Thế là bi kịch đổ ập xuống đầu, không gia đình, không chồng con. Với số tiền hộ trợ cho nạn nhân chất độc màu da từ năm 2002 chị không đủ sống và uống thuốc. Sức khoẻ lụi tàn, chị không thể đi cày cấy như người khác, đành đi ở khắp nơi lấy tiền nuôi thân, uống thuốc bệnh tât. Qua những năm tháng, trải nghiệm sự sống cuộc đời thật là cay nghiệt, cùng với những kỷ niệm đầy xương máu ở chiến trường. Chị viết tập truyện LIỀU THUỐC THẦN KỲ,  in thành sách hết gần 10 triệu đồng tích góp từ những đồng tiền đi ở của chị. Đọc truyện nào mình cũng muốn khóc, cái hay của truyện là sự thật thà, rất quê, sự sống của người khốn khổ đối đầu không chỉ với cuộc sống, mà còn là mạng sống đang bị treo lơ lửng trên đầu. Mình đồ rằng, nhân vật trong truyện đều chính là con người chị. Mình đọc mà rờn rợn, nước mắt tự rơi…
Chị nói, viết và in ra cuốn sách chỉ để trải hết nỗi lòng cho nhẹ nhõm bớt đau khổ mà thôi, không dám mong muốn, đòi hỏi gì. Chị in được sách rồi, vẫn đi ở kiếm tiền để trả cho hết nợ, cùng với số tiền của nạn nhân chất độc màu da cam uống thuốc sau này.
Chị lại nói, đọc trên các báo, biết tên tuổi mình, nên tặng sách, hôm nào chị nhận được số tiền chất độc màu da cam sẽ xuống Vinh chiêu đãi mình, cho chị biết ý kiến về cuốn sách viết như thế được không?
Nghe chị nói, mình không thốt lên lời, muốn khóc.