Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁI CHẾT CỦA NỮ CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG NGUYỄN THỊ QUANG THÁI

Nhật Hoa Khanh
Thứ hai ngày 4 tháng 10 năm 2010 10:12 PM

Đầu tháng 11 năm 2009, tại nhà riêng của mình (đường Nguyễn Sinh Cung – phường Vĩ Dạ – TP Huế), bà Nguyễn Khoa Bội Lan đã tiếp nhà nghiên cứu Nhật Hoa Khanh.
Nguyễn Khoa Bội Lan, năm 1946, là chủ nhiệm (Chủ nhiệm báo chí hồi ấy, nay gọi là tổng biên tập) Tạp chí Ánh Sáng (cơ quan tuyên truyền của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Các  Mác, trụ sở toà soạn: 43 – Trần Hưng Đạo – Huế).
Khoảng đầu những năm 40 thế kỷ 20, Bội Lan hoạt động tại Hà Nội.
Từ những năm 60 đến trước giải phóng Miền Nam 1975, bà công tác tại Viện Văn học (Hà Nội). Sau giải phóng Miền Nam, bà trở về Huế quê hương.
*****
Trong quá trình nghiên cứu về nhân vật lịch sử Võ Nguyên Giáp, tôi (tức Nhật Hoa Khanh) tìm ra một vài tư liệu chứng tỏ bà Bội Lan, nguyên chủ nhiệm (tức tổng biên tập) Tạp chí Ánh Sáng, có biết một số hoạt động của Võ Nguyên Giáp.
Đầu tháng 11 năm 2009 vừa qua, nhân chuyến đi Huế dự hội thảo về minh triết do Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh Triết tổ chức, tôi đến nhà riêng bà Bội Lan (đường Nguyễn Sinh Cung – phường Vĩ Dạ – TP Huế). Người dẫn đường cho tôi là Hà Khánh Linh (nhà văn nữ người Huế, đang sống ở Huế).
 Dáng nhỏ nhắn, gần 90 tuổi, rất gày yếu, phải nằm cả ngày trên giường, bà Bội Lan gắng gượng ngồi dậy bên mép giường tiếp tôi.
Phần trả lời của bà về một số vấn đề liên quan đến nhân vật lịch sử Võ Nguyên Giáp, tôi sẽ trình bày trong một bài khác.
Dưới đây, tôi chỉ nói về phần bà Bội Lan kể lại về cái chết của nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái.
Mặc dù giọng yếu, bà vẫn nói khá rõ từng lời:
Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại:
Mùa hè năm 1940, tại đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), con đường nằm giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch (Hà Nội), ông chia tay vợ (tức nữ chiến sĩ cách mạng cứu nước Nguyễn Thị Quang Thái).
Vợ ông bế trên tay đứa con nhỏ (tức Võ Hồng Anh, 1939 – 2009) lúc đó mới một tuổi. Sau giờ phút chia tay, Võ Nguyên Giáp cùng Phạm Văn Đồng bí mật rời Hà Nội bằng xe lửa, rồi xuống xe lửa, vượt biên giới Việt – Trung, sang Trung Quốc gặp Hồ Chí Minh.
Võ Nguyên Giáp kể tiếp: ở Việt Nam, ít lâu sau, Quang Thái bị bắt. Mật thám Pháp giam bà trong nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Một vài năm sau, Nguyễn Thị Quang Thái qua đời vì bị bệnh thương hàn, nhưng không nói qua đời tại địa điểm cụ thể nào. Võ Nguyên Giáp đã kể như vậy trong một cuốn hồi ký của ông.
Riêng các tư liệu do nhiều người khác viết về Nguyễn Thị Quang Thái thì đều nói: địa điểm qua đời của chị Quang Thái là nhà tù Hỏa Lò.
Nói như thế không đúng. Địa điểm qua đời của nữ chiến sĩ cách mạng Quang Thái là “nhà thương Làm Phúc” (tức nhà thương Rô-banh, Robin, nay là bệnh viện Bạch Mai).
Ngừng một lát để thở vì mệt, bà Bội Lan nói tiếp, vẫn với giọng nhỏ và yếu:
– Khoảng mấy năm đầu thập niên 40 thế kỷ 20, tôi từng làm việc và hoạt động yêu nước tại Hà Nội. Một hôm, giáo sư Đặng Thai Mai (tức Đặng Thai Mai, Viện trưởng Viện Văn học, Hà Nội) gặp tôi và cho biết: chị Quang Thái, vợ anh Võ Nguyên Giáp, vừa mới qua đời tại “nhà thương Làm Phúc” (tức nhà thương Rô-banh, Robin, nay là bệnh viện Bạch Mai). Hồi đó, bệnh viện Bạch Mai thường được gọi là “nhà thương Làm Phúc”.
Tôi chưa kịp biểu hiện sự sửng sốt, thì giáo sư Mai nói tiếp luôn: cô chịu trách nhiệm tổ chức ngay lễ chôn cất cô Quang Thái cho chu đáo.
Tôi bàng hoàng!
Quang Thái, người vợ trẻ thân yêu của Võ Nguyên Giáp, người mẹ trẻ của Võ Hồng Anh (Hồng Anh lúc đó mới khoảng hai, ba tuổi), người nữ chiến sĩ cứu nước bị giam trong nhà tù Hỏa Lò, đã chết, chết trong “nhà thương Làm Phúc”, chết trong cuộc chiến đấu với thực dân Pháp!
Nắm chặt tay tôi, giáo sư Mai nói tiếp: Võ Nguyên Giáp, giờ đây, vẫn là một nhân vật bí mật trên con đường cứu nước. Cô hãy khẩn trương lo chôn cất Quang Thái.
Nói xong, anh Mai về luôn. Còn tôi, tôi lập tức tìm gặp một vài người bạn để thông báo về việc này.
Mấy chúng tôi vào nhà xác. Quang Thái nằm đó, được bó trong một chiếc chiếu cũ. Mở chiếu, thấy thi hài chị gày đét, xám ngắt, đôi mắt nhắm nghiền.
Chúng tôi cúi đầu mặc niệm người nữ chiến sĩ chết vì bệnh thương hàn.
Chế độ thuốc men vô cùng hà khắc trong nhà tù thực dân và trong “nhà thương Làm Phúc” đối với một người tù chính trị như Quang Thái đã làm cho chị suy kiệt và phải từ giã cõi đời!
Chúng tôi mua một chiếc quan tài bằng gỗ mộc, khâm liệm và quàn thi hài chị.
Mọi việc chuẩn bị cho đám tang đều diễn ra nhanh chóng và cẩn thận.
Tôi cảm thấy khắp người mình như bị hàng trăm chiếc kim châm làm cho tê buốt!
Quan tài mộc được khiêng lên xe bò.
Chúng tôi cùng đẩy xe bò rời “nhà thương Làm Phúc” tới một nghĩa trang nhỏ trong làng Tương Mai gần đấy.
Thắp hương, đặt trứng trên nấm mồ Quang Thái xong, chúng tôi khấn chị nhiều lần, thật lâu, thật lâu nữa. Dĩ nhiên, ai nấy đều khóc, khóc nức nở.
Tôi nghĩ đến Võ Nguyên Giáp, đến Võ Hồng Anh !!!
Tôi không biết, hoàn toàn không biết, lúc ấy, giai đoạn ấy, Võ Nguyên Giáp đang hoạt động bí mật dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh.
Mặc dù đã đến vĩnh biệt Quang Thái trong nhà xác “nhà thương Làm Phúc” trước khi báo tin cho tôi, nhưng trong buổi đưa tang chị Quang Thái, giáo sư Đặng Thai Mai vẫn có mặt.
Cách mạng Tháng Tám 1945 bùng nổ, chúng tôi bất ngờ được biết: Võ Nguyên Giáp là một trong những nhân vật trọng yếu nhất của Ủy ban Giải phóng Dân tộc Trung ương do Hồ Chí Minh (tức Nguyễn Ái Quốc) làm Chủ tịch.
Sau này, dù đã gặp Võ Nguyên Giáp nhiều lần, nhưng tôi chưa có dịp nào kể lại cho ông câu chuyện chôn cất Quang Thái như trên.
Bây giờ, tuổi cao, tôi thấy cần phải kể lại đầy đủ câu chuyện trên cho anh, người nghiên cứu chuyên về Võ Nguyên Giáp.
Kể để nhớ, để thương, để khâm phục và nhất là để thế hệ trẻ biết rằng: nền độc lập dân tộc hôm nay đã phải trả bằng tính mạng và xương máu của hàng triệu nam nữ chiến sĩ như Nguyễn Thị Quang Thái hôm qua.
Bà Nguyễn Khoa Bội Lan không thể đứng lên được. Ngồi trên mép giường, bà giơ bàn tay khô gày, nắm chặt tay tôi. Vừa nắm, người phụ nữ cựu chủ nhiệm (tức tổng biên tập) Tạp chí Ánh Sáng vừa nói, giọng run run và rời rạc: cho tôi gửi lời thăm anh Võ Nguyên Giáp, chị Đặng Bích Hà và tất cả con cháu anh chị.
Tôi nói với bà Bội Lan: thưa chị, hài cốt của nữ liệt sĩ Quang Thái, lâu nay, đã được chuyển về nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội). Bà Bội Lan rớm lệ nắm chặt tay tôi.
Ngoài đường, lúc ấy, trời vẫn mưa tầm tã.
Chia tay bà Bội Lan, Hà Khánh Linh và tôi bước nhanh qua sân, băng mình ra hè đường. Tắc xi đã chờ sẵn. Mở cửa xe, chúng tôi bước vào.
Mưa vẫn ào ào quất xuống kính ô tô.
 
Hà Nội, 30/4/2010